image banner
    
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Bác Hồ với nhân dân Nam Định
Lượt xem: 681

Khi tôi còn là hạt bụi, Người đã lên tầu đi xa
Khi quê hương còn chìm nổi, Người đã lên tàu đi xa

Thật đúng như lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn khi ông rất thành công với những ca từ trong bài hát “ Dấu chân phía trước” lời bài hát đã nói được lên tâm trạng, sự mong muốn được cảm nhận, được nghe về một huyền thoại, một danh nhân, một vị thánh, Người mà đã hy sinh tuổi thanh xuân, gia đình để đưa tự do về cho đất nước, người dân Việt Nam. Đúng vậy khi thế hệ 8X, 9X,.... sau này được sống trong tự do, hòa bình không được chứng kiến các bậc cha anh từ thế hệ trước đã phải vất vả, khổ sở, đổ cả nước mắt, mồ hôi và xương máu chúng ta mới có được cơ đồ như ngày hôm nay. Có rất nhiều điển tích, câu truyện, những tài liệu về cuộc đời, những câu truyện về Bác thậm chí có những giáo sư, tiến sỹ dành cả cuộc đời mình chỉ để cố gắng hiểu một phần về “tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Và tình cảm của bác dành cho nhân dân trên toàn quốc từ thành thị đến nông thôn, từ bắc vào nam, từ miền núi đến đồng bằng bao la và mênh mông đến nhường nào. Người đã để lại trong lòng các tầng lớp cán bộ, nhân dân Nam Định nhiều thế hệ những kỉ niệm sâu sắc.             

Nam Định là một tỉnh lớn với hơn 2 triệu dân nằm ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ. Phía bắc tiếp giáp với tỉnh Thái Bình, phía nam giáp tỉnh Ninh Bình, phía tây bắc giáp tỉnh Hà Nam và giáp biển (vịnh Bắc Bộ) ở phía đông. Là một trong những tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh của đất nước, có tiềm năng phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp …, đến với Nam Định hiện nay là đến với một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch quan trọng của đồng bằng sông Hồng với các hoạt động văn hoá truyền thống nổi bật như: Hội Đền Trần có Lễ Khai Ấn hàng năm, Hội Phủ Giầy thờ Thánh mẫu Liễu HạnhChùa Keo Hành ThiệnChùa Cổ Lễ nơi thiền sư Nguyễn Minh Không trụ trì, Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp) thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, giáng sinh lần thứ nhất ở xã Yên Đồng, Ý Yên; Quần thể các di tích thờ Vua Đinh Tiên Hoàng… Nhân dân tỉnh Nam Định tự hào về truyền thống hiếu học, có tinh thần yêu nước, đoàn kết, đấu tranh anh dũng chống giặc ngoại xâm đóng góp tích cực trong phong trào cách mạng qua các thời kỳ.

Sau cách mạng tháng Tám 1945, thực dân Pháp tìm mọi cách thực hiện dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Bội ước Hiệp định sơ bộ 6-3-1945 và thoả ước 19-4-1945, thực dân Pháp ráo riết tăng cường lực lượng đổ bộ trái phép vào Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn và chuẩn bị kế hoạch đánh vào cơ quan đầu não của ta ở thủ đô Hà Nội. Trước tình hình đó, để chuẩn bị lực lượng, an lòng nhân dân, xây dựng hậu phương vững chắc sẵn sàng cho tiền tuyến lớn, Bác vẫn tổ chức những chuyến đi thăm nhân dân các tỉnh nhưng không báo trước cho địa phương

Ngày 10/1/1946 trở nên đặc biệt với nhân dân Nam Định bởi lần đầu tiên được Bác Hồ về thăm tỉnh nhà. Tại trụ sở UBND tỉnh Nam Định, Bác đã gặp và nói chuyện thân mật với đại biểu các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo và cán bộ các ngành, các giới trong tỉnh. Bảy giờ sáng ngày hôm sau, hơn một vạn cán bộ, bộ đội và nhân dân đã họp mặt trước trụ sở UBND tỉnh để chào mừng Người. Tại đây, Bác đã ân cần nhắc nhở mọi người phải đoàn kết, thương yêu nhau, chăm lo mọi mặt công tác, ủng hộ Quốc hội và Chính phủ. Mọi người đều hết sức chăm chú lắng nghe những lời dạy bảo của Người và đã hô vang: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Sau đó Bác gặp mặt các cháu thay mặt cho thiếu nhi thành phố Nam Định và thân mật chia kẹo cho các cháu. Trước khi rời thành phố Nam Định, Bác còn đến thăm và tặng quà các cháu mồ côi được nuôi ở nhà tế bần và nhà Dục Anh (đường Hàn Thuyên ngày nay). 

Ngày 24-4-1957, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ công nhân viên Nhà máy Dệt Nam Định. Bác đã nhấn mạnh: "Mình là chủ phải làm thế nào cho xứng đáng là chủ. Phải theo gương công nhân các nước bạn yêu máy như yêu con, yêu nhà máy như nhà mình. Đó là làm chủ xứng đáng. Cái gì lợi cho nhà máy là ích lợi cho mình, cái gì hại cho nhà máy là hại cho nhà mình. Đó là thái độ của người làm chủ, làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy''. Khi nói về chế độ quản lý và điều hành sản xuất của nhà máy, Người khẳng định: “Chế độ làm khoán là một điều kiện của chủ nghĩa xã hội, nó khuyến khích người công nhân luôn luôn tiến bộ, cho nhà máy tiến bộ. Làm khoán là ích chung và lại lợi riêng”. Bác khuyên cán bộ công nhân phải đoàn kết, cố gắng học tập chính trị, kỹ thuật học hỏi lẫn nhau hoàn thành vượt mức kế hoạch của Nhà nước, làm tròn nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ và nhân dân, góp phần thiết thực vào công cuộc củng cố miền Bắc, làm hậu thuẫn vững chắc cho miền Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà.
          Những lời dặn dò, chỉ bảo ân cần của Bác là nguồn động lực, niềm tin để cán bộ và công nhân viên Nhà máy cố gắng phấn đấu vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, hoàn thành kế hoạch sản xuất giữ gìn và xây dựng nhà máy càng lớn mạnh phục vụ cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Cũng trong những ngày này Bác đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ tỉnh Nam Định. Trước những thách thức và khó khăn của đất nước và sự chống phá cách mạng của chính quyền Mỹ - Diệm ở miền Nam đối với đồng bào. Trước tình hình đó, Bác đề nghị phải luôn luôn nâng cao cảnh giác trước những âm mưu của quân phá hoại. Người cũng nhấn mạnh: “…phải đoàn kết. Đoàn kết từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, cán bộ cũ, mới đoàn kết, đảng viên cũ mới đoàn kết, lương giáo đoàn kết”.
          Hơn một năm sau, ngày 13-8-1958, Bác về thăm Nam Định. Đầu tiên Bác đã về thăm Đình Thượng Đồng, thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định. Sau đó Bác tới dự Hội nghị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tại Hội nghị Bác đã nói chuyện với gần 1000 cán bộ tỉnh, huyện, xã và các chiến sĩ nông nghiệp về sự quan trọng của vụ mùa. Bác đã chỉ ra nguyên nhân gây ra sự sút kém của vụ mùa năm trước, và động viên đồng bào và cán bộ ra sức thi đua quyết tâm thực hiện vụ mùa thắng lợi. Bác cũng nhấn mạnh cán bộ lãnh đạo phải hết sức tránh chủ quan, tự mãn, phải đi sát với quần chúng, mọi việc lãnh đạo phải kịp thời, chu đáo và Bác nhắc bà con nông dân: “Thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là nhằm mục đích ích nước lợi nhà… Thi đua là phải yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” phải đoàn kết giúp đỡ nhau, khuyến khích lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm cho nhau để cùng tiến bộ. Bác cũng nhấn mạnh kinh nghiệm trồng trọt của cha ông ta xưa qua câu tục ngữ: “Một nước, hai phân, ba cần, bốn kỹ thuật” và đặc biệt Bác nhắc phải chú ý hết sức trong việc giữ nước phòng hạn, giữ đê phòng lụt. Sau buổi nói chuyện ấy, Bác đã đi thăm ruộng lúa thí nghiệm xóm Đông Hưng, xã Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định (nay là Hợp tác xã Tống Văn Trân, xã Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định).
          Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Bắc đoàn kết, nhanh chóng xây dựng lực lượng hậu phương với phương châm toàn dân - toàn diện và mỗi người dân đều là một chiến sĩ, quyết tâm vì miền Nam ruột thịt đánh thắng kẻ thù, thống nhất nước nhà. Tiếp thu những lời dặn dò, chỉ bảo của Bác, trong những ngày tháng này, Nam Định cũng triển khai nhiều công việc để phát triển nông nghiệp cùng với đồng bào miền Bắc tiếp sức cho cách mạng mau giành thắng lợi.
          Ngày 15-3-1959, Bác về thăm Nam Định lần thứ tư. Bác đã thăm Nhà máy Dệt Nam Định và căn dặn Đảng uỷ Nhà máy Dệt cần làm tốt công tác cải tiến quản lý xí nghiệp, công tác phát triển Đảng, Đoàn. Người đã nói: “Cán bộ lãnh đạo, đảng viên, đoàn viên thanh niên cũng như cán bộ công đoàn phải xung phong gương mẫu. Nội bộ lãnh đạo phải đoàn kết nhất trí, cán bộ phải đi vào công nhân, phải sắp xếp công việc để mỗi tuần tham gia lao động một ngày. Phải lắng nghe sáng kiến và lời phê bình của công nhân, phải thật sự dựa vào công nhân, đi đúng đường lối quần chúng, nắm vững chính sách của Đảng”. Cùng ngày, tại Quảng trường Hoà Bình thành phố, Người đã nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong tỉnh, Bác khen Nam Định đã cố gắng chống hạn và phê bình Nam Định bị hạn vẫn còn rộng ảnh hưởng tới thu hoạch. Người yêu cầu phải tập trung lực lượng tìm mọi cách chống hạn, phòng hạn, phải có kế hoạch phòng úng. Bác nhấn mạnh: “Muốn làm tròn nhiệm vụ ấy phải chống tư tưởng bảo thủ, tư tưởng mệt mỏi, tư tưởng ỷ lại, tức là phải quyết tâm và quyết tâm nữa, quyết tâm mãi làm cho đến thắng lợi”. Những lời góp ý chỉ bảo, động viên của Bác trong lần về thăm như tiếp thêm ý chí và nghị lực càng thấm thía sâu sắc hơn để cán bộ và nhân dân trong tỉnh đoàn kết quyết tâm xây dựng thắng lợi mọi nhiệm.
Trước những cống hiến và đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định cho cách mạng, Bác đã luôn quan tâm, động viên khích lệ kịp thời. Nhiều lần được người quan tâm, thăm hỏi nhưng lần để lại những kỷ niệm sâu sắc và dặn dò kỹ càng nhất vẫn là lần Bác về thăm Nam Định lần cuối cùng.
        Sáng ngày 21-5-1963, Bác về dự và huấn thị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V được diễn ra tại Hội trường Nhà máy Dệt Nam Định (nay là Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định). Giữa tiếng vỗ tay vang dội của Đại hội, Bác bước ra diễn đàn nói chuyện với Đại hội. Bác thân ái thăm hỏi sức khoẻ các đại biểu, tiếp đó Người ân cần chỉ ra cho Đại hội thấy rõ thêm những ưu điểm cần phát huy, những khuyết điểm cần sửa chữa, thấy hết những khả năng và thuận lợi và khó khăn của địa phương để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Người cũng căn dặn các cấp uỷ cần chú trọng đến việc phát triển Đảng và củng cố chi bộ, đẩy mạnh việc phê bình và tự phê bình trong Đảng, làm cho mỗi cán bộ, mỗi đảng viên nhận rõ vai trò lãnh đạo của mình. Cuối cùng Người nói: “Bác mong rằng sau Đại hội này, toàn Đảng bộ Nam Định sẽ ra sức khắc phục khuyết điểm, phát triển ưu điểm, đoàn kết một lòng, thực hiện đầy đủ những nghị quyết đại hội, biến nghị quyết đó thành quyết tâm của đảng viên, đoàn viên và đồng bào cả tỉnh, để xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh, làm kiểu mẫu cho toàn miền Bắc, thiết thực góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà”. 

Những năm qua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm động viên của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ đầu tư của nhiều cấp, ngành… cán bộ và nhân dân trong tỉnh có nhiều nỗ lực cố gắng để triển khai thực hiện tốt mọi nhiệm vụ. Vốn là ngành nghề truyền thống từ lâu đời, ngành công nghiệp dệt may hiện nay chiếm một tỷ trọng tương đối lớn góp phần phát triển kinh tế đất nước trong đó Dệt may Nam Định chiếm giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư hiện nay ngành Dệt may Việt Nam nói chung và Dệt Nam Định nói riêng đã mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng xuất đáp ứng kịp thời nhu cầu trong nước và duy trì phát triển tốt thị trường Dệt may Việt Nam trên trường quốc tế với các tên tuổi: VINATEX, HALOTEXCO… Phát huy truyền thống hiếu học của cha anh, nối tiếp sự nghiệp giáo dục trồng người, Nam Định vẫn tiếp tục giữ vị trí là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về phong trào và chất lượng giáo dục.

Những chỉ dạy của Người về phát triển một nền nông nghiệp cân đối, phục vụ tốt hơn nữa đời sống nông dân đã được Đảng bộ Nam Định tiếp thu tổ chức thực hiện để phát triển nền nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, chất lượng, hiệu quả. Đó là tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm tăng trưởng khá. Trong năm vừa qua, giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng, các địa phương trong tỉnh đã tập trung phát triển sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Toàn tỉnh có 207 cánh đồng lớn, trong đó có 34 cánh đồng lớn liên kết chuỗi giá trị với diện tích 1.480ha... Những kết quả trên lĩnh vực nông nghiệp đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Chương trình xây dựng NTM đem đến một luồng gió mới, phát huy tinh thần đoàn kết và sự cộng đồng trách nhiệm, tạo sự khởi sắc bộ mặt nông thôn các vùng quê trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã, thị trấn và 10/10 huyện, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (tỉnh Nam Định là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới). Nam Định được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về xây dựng NTM. Toàn Đảng bộ triển khai đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những việc làm cụ thể, thiết thực, những mô hình hay, cách làm sáng tạo từ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác đã tạo nên những hiệu ứng tích cực, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự khởi sắc toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh tiếp tục được cải thiện đã tạo điều kiện thu hút tốt hơn các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Hiện nay Nhà máy Dệt Nam Định đã có nhiều thay đổi, đã tiến hành cổ phần hóa, nhưng những chỉ dạy của Người về công tác tổ chức, cải tiến quản lý, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tính sáng tạo của công nhân, phát động các phong trào sôi nổi để đảm bảo định mức kế hoạch vẫn luôn là những bài học để phát triển ngành Dệt May trong bối cảnh đổi mới hội nhập hiện nay. Cùng với sự phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, an sinh xã hội được đảm bảo, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Hiện nay, cả nước đang thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" nhằm góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Điển hình của phong trào xây dựng đời sống văn hoá tại cơ sở đó là chương trình xây dựng nông thôn mới đã được các địa phương và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh Nam Định tích cực tham gia. Từ phong trào này, Nam Định là 1 trong 10 tỉnh, thành phố của cả nước đi tiên phong trong xây dựng nông thôn mới. Những nét đổi mới của Nam Định hôm nay, là điều kiện để Nam Định trong tương lai ngày càng vững mạnh và phát triển. Nhân dân trong cả nước, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước về với Nam Định với sức hấp dẫn bởi các dự án đầu tư, bởi các địa danh văn hoá từ lâu đời, bởi bề dày truyền thống về lịch sử và hơn hết bởi con người nơi đây gần gũi, đoàn kết và rất mực mến khách. Hơn nữa đến nơi đây ngoài các danh thắng lịch sử là niệm tự hào vốn có của người dân Nam Định có một khoảnh khắc làm cho chúng ta nhớ về Bác, về sự quan tâm của Bác dành cho nhân dân đó chính là Bảo tàng Nam Định, Bảo tàng Dệt May Việt Nam, nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật gắn liền với hình ảnh thân thương về Hồ Chủ tịch trong mỗi lần Bác về thăm tỉnh Nam Định: Đó là chiếc ghế đá nơi Bác Hồ đã ngồi nghỉ để nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định; những văn bản ghi lại lời dạy của Hồ Chủ tịch đối với Đảng bộ, nhân dân tỉnh nói chung, công nhân ngành Dệt may Nam Định nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với quy mô và ý nghĩa to lớn, Bảo tàng ngành Dệt may Việt Nam cùng với các khu lưu niệm khác, những công trình hóa văn khác là những tư liệu, hiện vật quý, góp phần giáo dục truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho giai cấp công nhân ngành Dệt may cả nước hôm nay và các tầng lớp thế hệ người Việt Nam mai sau.

Những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, nhắc nhở mỗi người dân Nam Định luôn tự hào về truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương và nỗ lực phấn đấu để luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Người. Đã 60 năm sau ngày Bác về thăm, Nam Định giờ đã phát triển với những nét đặc trưng nổi bật với các ngành nghề truyền thống, là trung tâm công nghiệp dệt, công nghiệp nhẹ cả nước và trung tâm thương mại – dịch vụ phía Nam của vùng đồng bằng sông Hồng. Thực hiện những lời căn dặn và chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ và nhân dân tỉnh Nam Định luôn đoàn kết, hăng hái thi đua phấn đấu xây dựng con người mới – con người xã hội chủ nghĩa, quyết tâm xây dựng mỗi gia đình, mỗi công sở, mỗi ngành trở thành đầu tàu mẫu mực đưa Nam Định trở thành một tỉnh đẹp, giàu và phát triển./.

Cơ quan chủ quản: Xã Yên Nhân Huyện Ý Yên
Địa chỉ: Xã Yên Nhân - huyện Ý Yên- tỉnh Nam Định
Email: xayennhan.yyn@namdinh.gov.vn
  
Chung nhan Tin Nhiem Mang